(TBTCO) - Covid-19 cùng các biện pháp ngăn chặn dịch đã gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động logistics, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, đình trệ các hoạt động kinh doanh, sụt giảm doanh thu và kim ngạch xuất khẩu.
Ngày 12/11, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Tác động của Covid-19 đến hoạt động logistics ở Việt Nam” với mục tiêu cập nhật, chia sẻ và trao đổi những kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm ứng phó với đại dịch Covid-19 và phát triển mạng lưới chuyên gia về logistics.
Thách thức từ dịch bệnh đến logistic tại Việt Nam
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Bùi Đức Thọ - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ, Covid-19 đã tác động rộng và rõ nét đến toàn thể nền kinh tế Việt Nam và chuỗi cung ứng dịch vụ hậu cần. Logistics là một phần của chuỗi cung ứng và Việt Nam hiện đang tích hợp rất sâu trong chuỗi cung ứng, do vậy nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp từ xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại xuyên biên giới cho đến cả thương mại nội địa.
Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, với tác động của dịch Covid-19, khoảng 15% doanh nghiệp (DN) giảm 50% doanh thu so với năm 2019 và hơn 50% DN giảm số lượng dịch vụ hậu cần trong nước và quốc tế từ 10 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các hoạt động logistics như vận tải giảm do dịch vụ thông quan tại các cửa khẩu bị cản trở, dịch vụ kho bãi, giá cước vận tải cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Các cửa khẩu biên giới giáp Trung Quốc vốn đã thường xuyên bị quá tải, nay bị ảnh hưởng dịch nên thường xuyên bị lưu xe, việc thông quan trở nên phức tạp và mất thời gian. Từ đó dẫn đến tình trạng hàng hóa bị hư hỏng, việc vận chuyển trở nên khó khăn hơn khiến cho tài chính của chủ hàng gặp nhiều vấn đề kéo theo sự khó khăn cho các DN logistics.
Ông Thọ cho biết thêm, do nhiều nhà máy phải tạm ngưng hoạt động nên lượng hàng hóa cần lưu chuyển ít đi dẫn đến việc vận chuyển và giao nhận hàng hóa trong chuỗi cung ứng cũng giảm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các DN kinh doanh dịch vụ vận tải logistics.
Ngoài ra, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay các DN thiếu hụt nguồn nguyên liệu để sản xuất và khó tìm đầu ra cho sản phẩm tại vực châu Á và một số khu vực khác, gây ra tình trạng sản xuất dư thừa, không xuất khẩu được.
Nâng cao chất lượng và giảm chi phí vận hành logistics
Ông David John Mavin – Phó Chủ tịch Phòng thương mại Australia tại Việt Nam đánh giá, việc ứng dụng công nghệ thông tin tạo ra khả năng tối ưu hóa quãng đường và nâng cao hiệu suất vận tải hàng hóa, tuy nhiên hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa có đủ công nghệ để làm việc này.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bắt đầu thay đổi toàn bộ viễn cảnh của dịch vụ kho bãi và phân phối hàng hóa trên toàn thế giới. Các công ty logistics trên thế giới đang nhanh chóng cải tiến công nghệ để bắt kịp xu hướng này và cải thiện tỷ suất lợi nhuận thông qua việc trang bị các công cụ tự động, hiện đại.
Bên cạnh đó, các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam cạnh tranh kém hấp dẫn so với mặt hàng cùng loại của các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Malaysia..., cả về nông sản, lẫn may mặc một phần là do chi phí logistics của Việt Nam cao hơn các nước này từ 6 - 20%, thậm chí cao gấp 3 lần so với Singapore.
Để giảm chi phí không đáng có khi xuất khẩu hàng Việt ra thế giới đòi hỏi cơ quan quản lý cần hoàn thiện cơ chế phát triển logistics, phải thực hiện đồng bộ rất nhiều việc, như hình thành các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tàu, ứng dụng các công nghệ mới trong logistics, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics... Trong số đó, phải tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không, ông David cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng – Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng, hiện nay các công ty lớn trên thế giới đang dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung quốc sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên logistics tại Việt Nam là nghành trẻ nên cần nâng cao quy trình, công nghệ, nguồn nhân lực có chuyên môn logictics toàn ngành.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam có những kỳ vọng tích cực trong thời gian tới. Cụ thể, dịch Covid-19 cơ bản đã được khống chế tại Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu không còn bị hạn chế sẽ là cơ hội cho Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các ưu đãi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ có những tác động thúc đẩy sản xuất trong nước./.